Các từ như ướt chồng ướt và ướt chồng khô đề cập đến việc lớp mực thứ 2 chồng lên lớp mực đã in trước đó còn ướt hay đã khô. Trong in một màu người ta in ướt chồng khô, trong in 4 màu thì người ta in ướt chồng ướt và in 2 màu là ướt chồng ướt lẫn ướt chồng khô.
Trong các điều kiện in thông thường, việc truyền mực không đủ xảy ra. Những yếu tố ảnh hưởng đến việc truyền mực bao gồm:
1/ Độ tách dính của mực (độ sệt):
Để tạo điều kiện dễ dàng cho việc chuyển một lớp mực này lên một lớp mực khác được in trước đó thì độ sệt của mực đang được in nên thấp hơn độ sệt của các mực đã in trước đó. Nếu như độ sệt của lớp mực thứ 2 cao hơn độ sệt của lớp mực in trước đó sẽ dẫn đến hiện tượng truyền mực ngược, tức là một ít mực in đầu tiên có thể bị lớp mực in lần thứ 2 kéo ra khỏi giấy và truyền ngược về máng mực. Ví dụ khi in màu Magenta có độ sệt cao lên trên màu Yellow có độ sệt thấp và đã được in trước đó thì có nhiều khả năng màu Yellow sẽ bị màu Magenta lột ra và truyền ngược về máng mực màu Magenta khiến màu Magenta không còn giữ nguyên chất và bị chuyễn sang màu cam ngay trên máng mực.
2/ Độ dày lớp mực:
Nếu độ dày lớp mực đầu tiên cao hơn nhiều so với độ dày lớp mực in thứ 2 thì dẫn đến hiện tượng truyền mực không đủ. Giả sử một bộ mực có độ tách dính giảm dần theo thứ tự in đang được sử dụng thì độ dày lớp mực của tất cả các màu nên bằng nhau. Để truyền mực tốt nhất, độ dày lớp mực nên gia tăng một ít từ đơn vị 1 đến đơn vị thứ 4, đồng thời độ tách dính của các lớp mực in sau nên giảm tương ứng.
3/ Nhiệt độ mực:
Sự gia tăng nhiệt độ làm giảm độ tách dính của một loại mực do đó tác động đến khả năng truyền mực của nó. Tất cả các loại mực in được giữ ở cùng một nhiệt độ.
4/Thời gian giữa các lần in:
Thời gian ngưng giữa lần đầu và lần thứ 2 càng dài bao nhiêu, thì càng có nhiều thời gian cho lớp mực đầu tiên khô bấy nhiêu. Độ tách dính của lớp mực in sẽ bắt đầu tăng khi nó bắt đầu khô. Sự gia tăng độ tách dính tạo điều kiện cho sự truyền mực của các màu sau. Sấy khô hoặc sấy một phần lớp mực đầu tiên giữa các lần in cũng giúp cải thiện việc truyển mực. Nếu thời gian giữa những lần in trôi qua quá lâu (ví dụ như khi in ấn một ấn phẩm 4 màu đang được in trên máy in 1 màu) thì những vấn đề về truyền mực khô sẽ xảy ra. Khi đó nhiều chất phụ gia trong loại mực đầu tiên (ví dụ như các chất sáp) có thể chuyên lên bề mặt in và đóng vai trò như một rào cản đối với loại mực thứ 2.
5/ Cân bằng mực - nước:
Trong in offset, lượng nước làm ẩm có thể ảnh hưởng đến độ tách dính mực và sau đó là sự truyền mực. Nếu có quá nhiều nước thì độ tách dính của mực càng giảm. Nếu nước cho vào không đủ thì độ tách dính của mực sẽ tăng (trong các loại mực in, lượng nước chiếm 40%). Việc duy trì cân bằng mực - nước chính xác cho tất cả các màu là rất quan trọng giúp tránh được hiện tượng bông tuyết và cặn dơ trong dung dịch nước máng.
6/ Độ hấp thụ của giấy:
Bề mặt in càng thấm hút bao nhiêu thì sự xâm nhập của chất dẫn mực vào bề mặt in càng nhanh bấy nhiêu. Việc này gây nên sự gia tang về độ tách dính của lớp mực tạo điều kiện cho việc truyền mực của các loại mực kế tiếp.
7/ Độ phủ mực trên khuôn in:
Khi tất cả các yếu tố khác không đổi thì mực trên khuôn in với độ phủ mực thấp thường có khuynh hướng bị gia tăng độ dính. Hiện tượng này thường được giải thích như sau: Khi in với khuôn in cần ít mực thì mực trên các lô mực sẽ chuyển xuống khuôn in chậm hơn khi in trên các khuôn in đòi hỏi độ phủ mực lớn. Mực càng nằm lâu trên các lô mực thì sự bốc hơi hay polymer hóa chất dẫn càng nhiều nên khi mực đến xuống bản thì độ tách dính cao hơn. Để tránh vấn đề này khi in, trên các khuôn in cần độ phủ mực thấp ta nên dùng các loại mực có độ tách dính thấp. Ngược lại, trên các khuôn in có các hình ảnh đòi hỏi độ phủ mực cao thì phải có lực tách dính từ giấy cao hơn các khuôn in yêu cầu độ phủ mực thấp.
8/ Phương pháp đo sự truyền mực:
Phương pháp đo sự truyền mực thuận lợi nhất là đo mật độ của lớp mực in đầu tiên, mật độ của lớp mực thứ 2 và mật độ tại 2 vùng in chồng lên nhau bằng kính lọc dành cho màu của lớp mực in sau. Ví dụ, nếu Magenta là lớp mực in lần thứ 2 thì các chỉ số được lấy qua kính Xanh lục. Máy đo mật độ được cân chỉnh về 0 (zezo) trên bề mặt tờ in trước khi đo. Tỷ lệ truyền mực được tính theo phương trình Preucil:
Tỷ lệ truyền mực = 100% x (Dop-D1)/D2
Trong đó D1: Mật độ của lớp mực đầu tiên, D2 là mật độ của lớp mực in thứ 2, Dop là mật độ tại vùng chồng lên nhau của 2 lớp mực.
Phương pháp đánh giá sự truyền mực bằng mật độ kế không đưa ra các số đo chính xác về độ dày lớp mực. Điều này xảy do ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: độ bóng và phản xạ của bề mặt, phản xạ nội tại đa phương, độ đục của lớp mực thứ 2, sự hồi chuyển của các lớp mực và sự cảm nhận phổ của máy đo mật độ. Đặc biệt là việc sử dụng kính lọc băng tầng hẹp so với kính lọc băng tần rộng trong các máy đo mật độ sẽ ảnh hưởng đến các tính toán về sự truyền mực. Một sự truyền mực 100% thường dao động giữa 95% và 105% hoặc một vài trường hợp còn nằm ngoài giới hạn này.
Do ảnh hưởng của độ dày lớp mực nên việc truyền mực tối ưu có thể phụ thuộc vào một số ấn phẩm nhất định. Trong thực tế, để đạt được sự truyền mực 100% là bình thường nhưng các giá trị có thể chấp nhận được về mặt thương mại nằm trong khoảng 70% đến 90% ngày càng quen thuộc trong in offset ướt chồng ướt. Hơn nữa, tính ổn định của sự truyền mực quan trọng hơn việc đạt được một giá trị tuyệt đối nào đó.
Lục giác màu GATF là một biểu đồ tốt để tìm hiểu về những thay đổi sự truyền mực. Mật độ của các lớp mực in chồng lên nhau được vẽ trên biểu đồ. Sự khác biệt giữa tờ in thử và tờ in thật thường được so sánh trên biểu đồ này.
Để đạt được sự truyền mực tốt người ta khuyến cáo nên dùng các loại mực có độ sệt giảm dần. Nghĩa là loại mực đầu có thể có độ sệt cao nhất mà không bị bóc giấy, các loại mực in tiếp theo sau đó có độ sệt thấp hơn khoảng 2 điểm. Ví dụ loại mực in đầu tiên có độ sệt 18 thì các loại mực in sau đó lần lượt có độ sệt là 16,14,12.
Vietnamprint (Nguồn: Màu sắc: Lý thuyết & Ứng dụng - Tiến sĩ Ngô Anh Tuấn)
www.congtyinvietnam.com.vn